Con gián trong tiếng hoa là 蟑螂, đọc là Chương Lang, khá giống từ Cường Lang (anh cường). Tuy vậy, trước năm 1993, con gián và tiểu cường cũng chỉ có liên quan ở mức độ đó mà thôi. Vậy tại sao con gián giờ lại được gọi là Tiểu Cường? Cùng tìm hiểu Tiểu Cường là gì nhé.
Tiểu cường là gì?
Xuất phát từ phim ảnh….
Năm 1993, Châu Tinh Trì cho ra mắt phim Đường Bá Hổ điểm Thu Hương. Bộ phim cực kỳ ăn khách tại thời điểm đó. Và chắc ai cũng biết, một phân cảnh đắt giá trong phim, chàng Hòa An khi bán thân đã gọi con gián vừa bị đạp dẹp lép là Tiểu Cường để đối giá lại với con chó mới chết của “đối thủ cạnh tranh”. Việc Châu Tinh Trì gọi con gián là Tiểu Cường đương nhiên là xuất phát từ chữ Cường Lang mà ra. Tuy nhiên phân cảnh này đã gây ấn tượng cực kỳ sâu sắc với người xem.
Sau đó, gọi con gián là tiểu cường trở thành một trào lưu.
Năm 1997, trong vở nhạc kịch Tuyết Lang Hồ, nhân vật chính cũng có một con vật nuôi gọi là Tiểu Cường.
Năm 2000, trong bộ phim truyền hình Hồng Kông có tên Nam Thân Nữ Ái, diễn viên chính Hoàng Tử Hoa có gọi tên con gián mà mình nuôi là Tiểu Cường. Còn chế tác một bài hát có tên “Tôi có Tiểu Cường bé nhỏ”
Năm 2006, ca sĩ đài loan Tank (Lữ Kiến Trung) trong album Chiến đấu là đạo sinh tồn, có ghi âm một ca khúc tên là Chương Lang Tiểu Cường, ý chỉ nghị lực kiên cường không bao giờ bỏ cuộc.
Cũng từ năm 2006, tác giả Bukla đã viết Sống như tiểu cường. Nó nổi tiếng thế nào, chắc không cần nhắc tới.
Vậy chốt lại về Tiểu cường là
…là một tên gọi khác của loài gián – loài côn trùng có nhiều chân, màu nâu, có cánh, 2 râu dài trên đầu, thường sống ở nơi tối tăm, ẩm thấp như góc tủ, cống rãnh…
Cái tên Tiểu Cường thường xuất hiện trong các phim Trung Quốc, Hồng Kông. Gọi là Tiểu Cường vì chúng thân hình bé nhỏ mà sống dai, giẫm đạp lên cũng chưa chết. tiểu = bé, cường = mạnh mẽ, dai dẳng.
Review truyện Sống như Tiểu cường
(nguồn internet)
“Cả cuộc đời dù vấp phải nhiều điều bất ngờ nhưng ta vẫn vững tâm bước tiếp”.
Cuốn sách kể về Trương Tiểu Cường, cậu thanh niên lớn lên từ thị trấn Tam thủy, một nơi với những con người dưới đáy xã hội. Tiểu Cường từ khi còn nhỏ đã là một bậc thầy lừa đảo, chuyên theo mẹ kiếm ăn. Khi hơn 20 tuổi, do một sự tình cờ, cậu lên thành phố, ở đây cậu đã gặp bao nhiêu chuyện, bao nhiêu người. Đó là cậu bạn Tứ mao cùng quê, Tiểu Thúy cô bé cũng chuyên lừa đảo, cảnh sát Lưu Dĩnh oan gia ngõ hẹp, bố con Ngô Đại Thành…
Bằng giọng văn hài hước tưng tửng, đọc những trang văn viết về nghệ thuật lừa đảo, nghệ thuật chửi bới, tự sát, tống tiền… của Tiểu Cường mà không thể nhịn cười. Quả là mọi thứ đã được đẩy lên thành mức nghệ thuật kiếm ăn rồi. Tiểu Cường láu lỉnh vận dụng những thứ đó khéo léo để đạt mục đích. Nhưng điều nổi bật ở cậu là một sức sống mãnh liệt, như loài cỏ dại dù bị chà đạp vẫn vươn lên không ngừng dưới ánh mặt trời, dù rằng : “Cuộc sống như một vòng tròn vẽ bằng tay, không bao giờ có một vòng tròn hoàn hảo. Việc chúng ta có thể làm là chấp nhận cái vòng tròn không hoàn mĩ đó thôi”
“Ai cũng tưởng rằng mình là một chuyên gia pha rượu, đều muốn đem mọi hương vị ngon ngọt của cuộc sống này lắc thành một ly cốc tai thật ngon, nhưng đến cuối cùng bạn mới phát hiện ra thứ mình lắc lên chỉ là một li rượu đắng”
“Một đồng xu, dù bụi bẩn hay sạch sẽ, thì bên trong nó vẫn sáng loáng. Đối với người ngoài thì tôi chỉ là một kẻ lừa đảo, nhưng tôi biết, Trương Tiểu Cường tôi vẫn có những giá trị của riêng mình”
“Tôi, Tiểu Cường, không bao giờ gục ngã”
Và những con người dưới đáy cùng xã hội ấy vẫn có những tình cảm ấm áp. Là tình bạn giữa tiểu Cường và bọn Tứ Mao, là tình mẹ con giữa mẹ tiểu Cường và đứa con gái thất lạc Tiểu Hân, là thứ tình cảm trên tình bạn của Tiểu Cường với Lưu Dĩnh.
Kết thúc cuốn sách mang một âm điệu buồn man mác, bởi nó là sự li biệt. Ừ thì: Cuộc đòi là những sự li biệt nối tiếp nhau, hợp rồi tan. Đó là sự chia tay với bọn Tứ Mao, là cảnh mẹ con Tiểu Cường đứng từ xa nhìn đám cưới chị tiểu Hân, âm thầm chúc phúc.
Và điệu nhảy cuối cùng bên Lưu Dĩnh trên tuyết.
“Những lúc tôi khóc là tôi đang cười trong bụng, còn khi tôi cười là trong lòng đang rơi lệ”. Lưu Dĩnh như một công chúa, còn cậu là Lọ Lem. Khi tiếng chuông điểm cũng là lúc phải chia xa, vì cuộc sống không phải cổ tích, hai người thuộc về hai thế giới khác nhau. Lọ Lem cuối cùng cũng phải trở về với nơi cậu thuộc về.
“Li biệt rồi, vĩnh viễn sẽ không gặp lại nữa, tôi không muốn tìm gặp để nói lời tạm biệt, chút ấn tượng tốt đẹp giữa chúng tôi như bông đỗ quyên nở trên vách đá dựng đứng, dù có đẹp đến đâu bạn cũng không bao giờ có thể chạm tay vào nó, vì cái giá phải trả là bạn sẽ tan xương nát thịt”
Cuối cùng, thông điệp nhà văn gửi lại: “Trong cuộc sống có quá nhiều lúc khó xử, nếu cười cũng được mà khóc cũng được thì hãy chọn cách cười thật lớn”
Sống như Tiểu Cường, một cuốn sách đáng đọc…
Vậy giờ các bạn đã biết Tiểu cường là con gì rồi nhé.