Muốn khởi nghiệp thì bớt sỹ diện và thực dụng đi

Có mấy dạo đi giảng, sinh viên bay vô hỏi hồi anh khởi nghiệp bằng vốn tự có hả? Sau khi tôi đáp không, anh mượn của gia đình thì thấy các bạn thần người ra (chắc thần tượng sụp đổ) và có bạn còn có vẻ xem thường ra mặt. Chắc tại nghe tôi trả lời sốc quá: “Ờ, anh mượn của gia đình chứ lấy đâu ra vốn em, em ngó từ đầu đến đít anh coi có chỗ nào có giá để làm vốn khởi nghiệp được không?”

Rồi cũng mấy bận đi tư vấn cho mấy bạn khác, có bạn khoe em có đam mê mở quán cà phê, bạn thì em muốn mở shop quần áo thời trang này nọ, rồi nói nhà em cho em tiền để em làm mà em không thích, em muốn tự làm cơ. Vậy em có vốn chưa? Đáp gọn lỏn, chưa anh. Vậy khi nào em có vốn? Chưa biết anh, chắc đi làm tích lũy dần dần. Ờ, vậy em tự làm đi, rồi sau mấy năm gặp lại cho anh biết kết quả thế nào.

Sau vài năm gặp lại, tôi hỏi còn mộng mở quán cà phê hay shop thời trang không thì lúc đó tiu nghỉu trả lời là em dẹp luôn rồi anh, thấy vốn lớn quá, mình đi làm công ăn lương ba cọc ba đồng chắc không mở nổi, với giờ em đi làm mấy năm thấy quen rồi giờ nghỉ cũng uổng.

Tôi bảo thế sao hồi đó sỹ diện từ chối sự hỗ trợ của gia đình thì lúc đó mới cúi đầu đáp tại hồi nào giờ em thấy ai khởi nghiệp thành công cũng đều khoe tay trắng làm nên sự nghiệp (cái này một phần lỗi ở giới truyền thông, suốt ngày đăng mấy bài linh tinh nên tụi nhỏ nó ảo tưởng sức mạnh, tưởng đời màu hồng), còn nói gia đình hỗ trợ thì thế nào người ta cũng bảo thằng này, con này nhờ có nhà nó thì nó mới lên được thì không hay.

Nên em cũng tưởng vậy, mình ra trường, đi làm rồi tự khởi nghiệp tự lực cánh sinh thì sau này có thành công nó mới ngon. Ờ, ngon, nên giờ em nhìn lại em đi, em có thành tựu nào chưa? Lắc đầu dạ chưa anh. Hiểu rồi hen.

BÀI HỌC ĐẦU TIÊN: MUỐN KHỞI NGHIỆP THÌ BỚT SỸ DIỆN ĐI

Nhớ hồi báo chí có đăng loạt bài về mấy bạn trẻ đang giữ những chức vụ cao tại các tập đoàn lớn ở Việt Nam thì thế nào cũng có đứa bay vào phán “nhà mặt phố, bố làm to, không giàu không thành công hơi bị uổng”. Và thế là bao nhiêu sự cố gắng của người ta bị gạt đi hết, bị phủi đi hết chỉ bởi vì cái lý do “ôi cái loại con ông cháu cha thì có gì đâu mà ngưỡng với chả mộ”.

Và thay vì lo học hỏi xem người ta đã làm thế nào, thành công ra sao thì lại châu đầu vào tám xem con đó nó là con ông nào, bà nào, nhà nó làm to ra sao để viện dẫn cho việc con đó, thằng đó mà thành công là điều “hiển nhiên như cô tiên” không cần bàn cãi. Nhiều người thành công coi khởi nghiệp nó gắn liền với mơ ước, đam mê và sứ mệnh của mình. Mà đã ước mơ với đam mê thì làm quái gì có cái khái niệm mắc cỡ hay quê độ. Để khởi nghiệp, nhiều khi 1 thằng giám đốc (như tôi) cũng phải kiêm tùm lum tà la thứ, kiêm bảo vệ, tạp vụ, lễ tân, nhân viên, tư vấn, v…v… miễn sao kiếm được tiền và nuôi dưỡng đứa con tinh thần của mình ngày một lớn hơn.

Do đó bạn nào nói khởi nghiệp mà đi mượn (mới mượn thôi chứ không phải xin he) tiền gia đình hay người thân là nhục, là quê thì bạn đó phải coi lại. Vì mấy cái người mà khinh thường bạn, tin tôi đi, khi bạn thất bại thì họ cũng chẳng có cho bạn 1 đồng xu cắc bạc nào đâu, có khi lại còn quay qua sỉ nhục chính bạn nữa (lần này là nhục thật), và khi đó thì bạn mới thấm thía rằng chỉ chính bạn mới có thể lo thân bạn thôi.

BÀI HỌC THỨ HAI: MUỐN KHỞI NGHIỆP THÌ THỰC DỤNG ĐI

Thực dụng là gì? Tất nhiên lâu nay người ta vẫn nhắc đến thực dụng như 1 tính xấu của con người. Nhưng hôm nay tôi mạo muội định nghĩa lại 1 xíu về từ thực dụng theo hướng tích cực hơn. Đó là tận dụng hết những gì mà thực tế bạn đang có để đạt được kết quả một cách tốt nhất thì đó là thực dụng.

Bạn phải tận dụng hết những nguồn lực như con người, mối quan hệ, chiến lược, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và thậm chí là cả những nguồn lực về tài chính đầu tiên mà bạn may mắn có khi khởi nghiệp. Vì có như thế, bạn mới tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn so với những người khác.

Thử nghĩ mà xem, đứa thì khao khát có được sự hỗ trợ của gia đình biết bao mà không được vì nhà nó thiếu điều kiện, đứa thì được gia đình hỗ trợ thì lại vênh mặt lên chảnh để rồi ngậm ngùi thất bại. Vậy chọn cái nào? Tự bạn hiểu.

BÀI HỌC THỨ BA: KHỞI NGHIỆP KHÔNG PHẢI SỰ HAM THÍCH NHẤT THỜI, CÀNG KHÔNG PHẢI LÀ NGẪU HỨNG.

Đừng vì cái hào nhoáng màu hồng mà bạn nhìn thấy nhiều người có được khi đã thành công mà quên mất đi rằng, để có được nó thì cái giá phải trả, đánh đổi cũng không hề nhỏ (có khi là cả tuổi thanh xuân của bạn). Hãy phân biệt rõ đam mê của mình? Bạn mê tiền bạc, mê sự giàu có, hào nhoáng và nổi tiếng khi thành không hay bạn đam mê thật sự với công việc mà mình sẽ làm và đeo đuổi?

Khi nào bạn đã xác định rõ rồi thì hãy làm. Và đã làm rồi thì làm tới cùng đi, kệ “mẹ” nó những đứa khác ngồi ngoài bàn ra, bàn lùi, nói bạn ngu, nói bạn thực dụng, nói bạn này nọ đi.

Vì một ngày nào đó, khi bạn đã thực sự leo lên đến đỉnh vinh quang, bạn có quyền nhìn tụi nó đang đứng ngước nhìn bạn ở tuốt phía dưới xa xa.

#ceostevedang#dangtuantien

Tác giả: https://www.facebook.com/dangtuantien

Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x