BÁN THÂN TRƯỚC … BÁN GIÁ CAO!

Tôi Viết Blog - Business Blog, Business, Blog

BÁN THÂN TRƯỚC … BÁN GIÁ CAO!

Trước khi người ta mua bất cứ dịch vụ sản phẩm nào của bạn, dù người đó là nam hay nữ, trong tiềm thức người đó muốn “mua” bạn trước. Vì thế bạn phải bán “thân” trước khi bán bất cứ cái gì khác. Tuy rằng các công ty tập đoàn truyền thống của Nhật và Hàn Quốc vẫn chưa khuyến khích thương hiệu cá nhân hay CEO nổi trội hơn thương hiệu của công ty. Ngược lại, các tập đoàn của Mỹ thì đang có xu hướng bán CEO trước khi bán các sản phẩm của mình. Chúng ta có thể thấy được điều đó qua gương mặt nỗi trội của Melisa Mayor (Yahoo cũ), Mark Zuckerberg (Facebook), Sheryl Sanberg (Facebook), Howard Schultz (Starbucks), Steve Jobs (Apple), Jeff Bezos (Amazon), Ralph Lauren (Ralph Lauren), Adrian Huffington (Huffington)…

Để bán thân được cao giá và mang nhiều thành công, dù từ những việc nho nhỏ như đi xin việc làm, đi sự kiện nối kết, gặp đối tác tương lai, gặp một khách hàng tiềm năng, kêu gọi hỗ trợ vốn, cho đến xây dựng thương hiệu cá nhân, chúng ta nên nhớ 6 điều sau đây:

1. Tìm hiểu đối tượng

Trước khi gặp đối tượng, bạn nên tìm hiểu website của đối tượng, hiểu tầm nhìn, triết lý và sứ mệnh của bản thân và doanh nghiệp người đó. Quan trọng hơn nữa là tìm hiểu đối tượng khách hàng lý tưởng của họ là ai. Họ có tiêu chí gì, hoạt động trên địa bàn và thị trường nào.

Bạn Google để tìm hiểu về lãnh vực đó, ngành nghề và khuynh hướng của công nghiệp đó, viết lại những từ khóa *key word” mà họ thường hay dùng trong lãnh vực này để sử dụng khi nói chuyện hay viết cho họ.
Vào Facebook và Linkedin xem người đó, người quyết định, người gây ảnh hưởng, đối tượng bạn gặp thích gì ghét gì, có khuynh hướng nổi trội gì, có những sở thích cá nhân gì.

Trước khi viết thư mời triệu phú Steve Siebold, tác giả tác phẩm “Cách Người Giàu Suy Nghĩ”, tôi đã Google, Facebook, Linkedin xem ông như thế nào. Qua Facebook, tôi biết ông là bạn của tác giả- trung tá Waldo Waldman. Waldo lại là đồng nghiệp và bạn của tôi. Tôi đã viết cho ông một lá thư mời ngắn gọn khoảng 3 dòng. Cuối thư tôi viết:

P.S: LanBercu TV đã phỏng vấn trung tá Waldo Waldman, thành viên của hiệp hội diễn giả chuyên nghiệp Hoa Kỳ. Ông có thể xem theo link sau: xyz

2. Tiềm năng hay thành tích?

Luôn nhớ: Bộ não thích lãng du và tưởng tượng. Dù rằng bạn luôn có những thành tích, con số dữ liệu để chứng minh những gì mình đã làm đươc, bạn đừng bao giờ quên thể hiện tiềm năng của mình. Theo nghiên cứu của Havard, thì nếu có cùng thành tích trong quá khứ, các huấn luyện viên trả tiền hợp đồng cao hơn cho các cầu thủ thể hiện được tiềm năng tương lai. Có những cầu thủ có thành tích rất cao, nhưng huấn luyện viên nhận định đây là chỉ số max… không còn tiềm năng nào nữa thì họ vẫn không mặn nồng lắm. Các nhà tuyển dụng nhân sự cũng vậy. Họ tuyển, tăng lương, tăng chức cho những người nhân viên có tiềm năng lãnh đạo, tiềm năng bán hàng… chứ không đơn thuần dựa vào thành tích quá khứ.

Tiềm năng là gì? Là những gì người khác tin bạn có thể làm được trong tương lai.

Nhớ: Trình bày nhanh, ngắn gọn một vài điều nổi trội bạn/ doanh nghiệp của bạn đã làm được. Nối kết với ý định tương lai, kế hoạch phát triển, những hướng giải pháp gì bạn/ sản phẩm dịch vụ/ doanh nghiệp đem lại được cho đối tượng đó.

3. Câu chuyện bỏ túi

Sẽ có lúc đối tượng muốn biết về bạn. Luôn sẵn sàng có một câu chuyện sâu sắc, ngắn gọn xúc tích về bản thân, doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ. Vì câu chuyện đó là then chốt, là xi măng để nối kết cảm xúc, là con chủ chốt để đối tượng quyết định “mua” hay không.

“Logic làm người ta suy nghĩ. Cảm xúc xui khiến ta hành động” – Saatchi

Bí quyết thành công nhất là chia sẻ một khúc quanh, một sự kiện nào đó đã xảy ra, khiến bạn đam mê, tin tưởng, thay đổi, theo đuổi con đường, sản phẩm, dịch vụ, phương pháp, giải pháp này. Nó đem đến ý nghĩa giá trị gì cho bản thân bạn.

Chuyến rồi sau khi huấn luyện cho lớp Sai Gon CEO 3, tôi được uống một ly yến giải khát… và ly yến đó đã làm tiêu tan những khái niệm lỗi thời của tôi về yến. Thế là tôi muốn tìm hiểu thêm chủ nhân của ly yến đó là ai. Tôi đã nghe câu chuyện rất ngắn gọn, sâu sắc và đầy tính nhân văn của Mai Le Phuong Truc vì sao hai vợ chồng em trở thành doanh nghiệp nuôi yến để làm chủ cuộc sống tài chính của mình. Tôi đã quyết định ngay sẽ là một khách hàng của Trúc. Trước đó tôi đã thấy bao nhiều loại yến khi đi giảng dạy ở Hong kong, Trung Quốc và Thái Lan… nhưng chưa bao giờ quyết định mua. Những món hàng la liệt đắt tiền đó vô hồn, vô cảm và tôi nghi ngờ giá trị thật của nó!

4. Câu hỏi thách thức

Bạn luôn tiên liệu và chuẩn bị sẵn câu trả lời. Vì khách hàng càng quan tâm bao nhiêu, thì sẽ thách thức và hỏi bạn nhiều bấy nhiêu. Khách hàng luôn hỏi tôi: “Vì sao phí của cô gấp đôi hay gấp ba giá thị trường?” Tôi không giải thích dài dòng. Tôi chỉ ngắn gọn trả lời: “Vì những gì tôi huấn luyện là mô hình và trải nghiệm của cá nhân tôi. Nếu tôi làm được thì học viên sẽ hiện thực được.” Tôi dừng tại đây, và chờ xem khách hàng tiềm năng hỏi tiếp.

5. 7 giây

Hãy nhớ rằng bạn có một cơ hội ngắn ngủi vào 7 giây đầu tiên. Sau 7 giây đó, cái não “lười biếng” sẽ đi thu lượm thông tin, bằng chứng để chứng minh rằng những nhận định 7 giây ban đầu là đúng. Ngày nay, chúng ta lại càng gặp nhiều thử thách hơn vì tất cả những tiếng ồn và chi phối chung quanh. Hãy tạo những ấn tượng ban đầu mạnh mẽ và tốt đẹp nhất.

• Đúng giờ!
• Ăn mặc chỉn chu. Đừng theo thời trang của cố nhân Steve Jobs và chàng Mark Zuckerberg nhe các bạn. Chừng nào bạn trở thành tỉ phú hoặc một icon của thế giới thì muốn ăn mặc hay không mặc gì cũng được.

Trong tâm lý ta gọi từ chuyên môn là “tinh thần và thể xác nhất quán”. Khi ta ăn mặc chỉn chu thì kéo theo hành vi, lời nói, thần thái chỉn chu. Khi ta ăn mặc sexy thì cũng kéo theo hành vi, lời nói, tâm trạng lã lơi sexy. Khi ta mặc quần áo thể thao thì sẽ thích vận động. Khi mặc đồ ngủ thì sẽ muốn đi ngủ. Khi ta ăn mặc bê bối thì hành vi, lời nói, thần thái sẽ khó chuyên nghiệp và tạo ấn tượng tốt.

6. Những câu hỏi hay

Câu hỏi hay là mốc để đối tượng đánh giá trình độ chuyên nghiệp của bạn. Nếu bạn ở tầng lớp “mastery” thì sự thành thạo chuyên nghiệp dựa trên câu hỏi chứ không phải câu trả lời. Câu hỏi của bạn tuyệt đến nổi mà đối tượng tự tìm ra hướng giải quyết nhờ câu hỏi của bạn. Câu hỏi của bạn thông thái đến nổi mà đối tượng thắc mắc làm thế nào mà bạn am hiểu vấn đề của họ sâu sắc đến như vậy. Câu hỏi của bạn đừng ngở nghệch đến mức độ chỉ cần Google là tìm ra ngay câu trả lời.

Bạn hãy tập luyện điều đó ngay từ bây giờ.

Lan Bercu
Tác giả 36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại
Nhà sáng lập LanBercu TV

Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x