Đừng ép con ăn. Hãy vui mừng vì con bạn còn bướng bĩnh, quậy phá

Đừng ép con ăn

“Những bức ảnh dưới đây tôi đã chụp trong một lần tới trường đón con gái tan học. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cảnh tượng này không lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, chẳng ít đi mà lại nhiều thêm lên. Tôi ngồi chờ con gái chơi cầu trượt cùng các bạn và quan sát họ rất lâu.

Không phải 1, mà phải 5 – 7 phụ huynh. Mỗi phụ huynh 1 cái bát, 1 cái thìa, 1 hộp sữa đứng chầu chực quanh các khu vui chơi của con, đợi con chơi hết lượt lại chạy tới đút cho con 1 thìa cháo, hút một ngụm sữa. Thậm chí, họ còn thiếu kiên nhẫn đến độ chẳng đợi đứa trẻ chơi hết lượt mà cứ kè kè chạy bên cạnh con, thò tay qua những song sắt chắn an toàn, kiễng chân, nghển cổ cố xúc cho con thêm thìa cháo, đút cho con một miếng trái cây, được miếng nào hay miếng nấy.

Cho con ăn tại các khu vui chơi

Chốc chốc họ lại giục giã “nuốt đi con”, “ăn nhanh lên con”, “ăn đi không mẹ không cho chơi nữa đâu”, “có ăn không hay đi về nào?”, “ăn nhanh cho xong đi! Chỉ có mỗi cái việc ăn mà sao để mẹ nói nhiều thế nhỉ?”… Đứa trẻ mặt mày nhăn nhó vẻ khó chịu nhưng nghe thấy vậy cũng cố ngoác cái miệng ra để ăn cho xong nhiệm vụ.

Ngay cạnh chỗ con gái tôi đang chơi, một chị phụ nữ độ ngoài 30 tuổi đang quát tháo om sòm vì cái tội con chị ấy nhất định không chịu ăn.

– Nào, ăn một miếng rồi trượt tiếp!

Chị ấy xúc một miếng cháo kề tận miệng con gái nhưng nó nhất định không chịu há miệng mà chạy thẳng lên chỗ cầu trượt. Chưa chịu bỏ cuộc, chị ấy lại chạy vòng về phía bên kia để đón đầu cô con gái khi nó trượt xuống. Cuối cùng, con bé đành phải chịu thua, cố ăn thêm miếng nữa không bị mẹ dắt về.

Vật vã suốt nửa tiếng đồng hồ, tôi rốt cuộc cũng đếm được chị ấy đã đút cho con ăn 12 thìa cháo. Ấy thế mà, chạy nhảy 1 hồi, con bé ợ 1 cái làm bao nhiêu công sức của mẹ nó đổ xuống sông xuống biển hết.

Bế con ra ngồi gần chỗ tôi để lau người cho nó, chị vẫn không khỏi bực mình, ngao ngán. Thấy vậy, tôi mở túi xách định đưa cho chị túi giấy ướt nhưng một người đàn ông cạnh đó đã nhanh tay trước tôi. Tôi có nghe thấy anh ấy hỏi:

– Sao chị không để cháu về nhà rồi mới cho ăn?

– Ui dào ôi, con này nhà chị nó lười ăn kinh khủng khiếp em ạ. Về nhà, nó không chịu ăn đâu. Cứ phải đi chơi, đi rong mới ăn được vài thìa đấy. Vất vả lắm chứ có sung sướng gì đâu.

– Nhưng ăn thế này thì đau dạ dày chết!

-Biết thế nhưng làm thế nào được, còn hơn là chết đói!

Nói rồi, chị ấy ngúng nguẩy làm ra vẻ không hài lòng rồi kéo tay con xềnh xệch ra cổng mà không nói thêm lời nào.

Chị ấy không phải trường hợp duy nhất trong rất nhiều những phụ huynh đang áp dụng phương pháp cho ăn phi khoa học và phi truyền thống này. Bởi phương pháp này vốn dĩ mới xuất hiện tại Việt Nam trong chục năm trở lại đây và tôi chắc chắn rằng, nó chẳng được du nhập từ bất kể quốc gia tiên tiến nào trên thế giới. Điều đáng buồn là, mặc dù ai cũng biết rằng đó là một phương pháp lợi bất cập hại nhưng người ta vẫn ngày ngày áp dụng nó cho con cháu mình. Ấy chính là nguyên nhân giải thích tại sao tình trạng này đang ngày một nở rộ như nấm mọc sau mưa. Cho ăn rong, có lẽ đã trở thành mốt. Một loại mốt mà mãi vẫn chưa thấy lỗi thời.

Thông qua đoạn hội thoại ngắn của chị phụ huynh nọ và người đàn ông, đủ để tôi nhận thấy rằng chị ấy thừa biết cho ăn như vậy là không tốt nhưng vẫn làm. Nguyên nhân được đưa ra ở đây, là chị ấy sợ con đói.

Tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình. Những bữa cơm nguội trộn muối vừng ăn vội vã khi đi học về mà vị thơm ngon còn vương vấn lại đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ. Tự nhiên, tôi lại thấy những đứa trẻ độ tuổi tôi ngày xưa thật hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đơn giản bởi, chúng tôi cảm nhận được vị ngon của những bữa cơm, đơn giản bởi, chúng tôi được quyền đói. Còn bọn trẻ bây giờ, chúng thật khổ. Đến cảm giác được đói, cũng không một lần được trải qua thì liệu sống trên đời niềm vui trọn vẹn được mấy phần?

Nhưng, “sợ con đói” có thực sự là nguyên nhân chính không? Tôi nghĩ rằng, chưa chắc! Không ít lần tôi chứng kiến những bà mẹ vội vã thanh minh khi người khác hỏi về việc “tại sao con gầy thế?”, rằng “tại nó lười ăn chứ không phải tại tôi”, hay “ngày nào tôi cũng ép nó ăn mà nó vẫn gầy thế đấy chứ”! Thay vì bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của người ngoài, họ lại rất để tâm và lo sợ khi bị mang tiếng là chăm con không tốt. Có lẽ nào, họ sợ danh dự của bản thân bị ảnh hưởng hơn là nghĩ cho con mình? Bên cạnh đó, thay vì thay đổi thực đơn, chuyển từ phương pháp cho ăn cháo truyền thống kéo dài từ tháng này qua tháng khác khiến bọn trẻ ngán ngẩm sang phương pháp để bọn trẻ tự điều khiển bữa ăn của mình, nhiều bà mẹ vẫn lười biếng đến độ cố tình nấu đi nấu lại thực đơn quá quen thuộc và ép con ăn.

Tôi có một cô cháu gái học lớp 4. Con bé thực chất không hề lười ăn, thậm chí ăn rất khỏe. Nhưng, một lần nọ, do đã ăn xôi trước khi ăn cơm nên đến bữa, con bé ăn được lưng bát cơm đã thôi. Ông con bé cứ nhất định bắt cháu ăn thêm vài miếng thịt, gắp thêm vài miếng đậu nhưng con bé không chịu. Thấy vậy, ông con bé bảo “Cháu ăn cho cháu hay là ăn cho ông?”. Con bé hồn nhiên trả lời “Ăn cho ông! Vì nếu là ăn cho cháu thì cháu no rồi”! Ngay sau đó, con bé bị mẹ nhắc nhở cảnh cáo vì việc dám nói với ông như thế, nhưng kỳ thực, tôi thấy rõ ràng con bé đã nói đúng.

Ăn uống là nhu cầu thiết yếu của cơ thể con người. Người ta sẽ ăn khi thấy đói, uống khi thấy khát và đi ngoài khi có nhu cầu. Tất cả những việc ấy khi được thỏa mãn đúng lúc đều mang lại niềm vui sướng và hạnh phúc. Nhưng không đúng lúc, nó nghiễm nhiên lại trở thành nỗi bất hạnh.

Thật đáng sợ khi mà ăn uống trở thành một phản ứng không phải do nhu cầu xuất phát từ bên trong mà lại quyết định bằng những tác động từ phía bên ngoài. Hãy tưởng tượng đến một đứa trẻ mà hễ cứ đưa thìa lại gần miệng là nó lại há ra, bất kể lúc nào cũng vậy, thì chính xác đó là một cái máy chứ không phải con người! Và tôi dám khẳng định, những đứa trẻ như vậy thường kém thông minh hơn những đứa trẻ khác.

Và khi ăn uống trở thành một yêu cầu được đưa ra mặc cả hàng ngày “ăn để được đi chơi”, “ăn để được mua đồ”, “ăn để được xem phim”, “ăn để được chơi ipad”… thì bản thân đứa trẻ sẽ xác định việc ăn không phải việc của chúng và nó không quan trọng. Cái quan trọng là những cái bố mẹ chúng đang đưa ra mặc cả để đổi lấy kia kìa. Chính điều này đã góp phần làm cho chúng lười ăn hơn và dùng chính việc ăn ra để vòi vĩnh bố mẹ. Đặc biệt, chỉ cần hơi ốm đau, mệt mỏi, chúng sẽ làm mình làm mẩy để bố mẹ phải nịnh nọt, ỉ ôi đến rát cổ, bỏng họng mới chịu ăn một chút. Những đứa trẻ như thế sẽ sống sao khi chỉ có một mình và bị ốm? Bố mẹ chúng có thể kè kè bên cạnh để thúc giục chúng ăn được mãi không? Câu trả lời là không!

Bởi vậy, ngay từ bây giờ, bố mẹ hãy tạo cho con một thói quen ăn uống tự lập. Cần phải phân định rạch ròi giữa việc ăn và việc chơi. Đừng phó mặc chuyện ăn uống của con cho người giúp việc. Cũng đừng cầm bát chạy theo chúng nữa! Hãy để chúng cầm bát chạy theo mình và nói rằng “mẹ ơi con đói”. Làm được như vậy mới thực sự là một bà mẹ giỏi!

Trên thực tế, những em bé đang trong độ tuổi ăn dặm vẫn thường trải qua những giai đoạn biếng ăn. Đó cũng là điều hết sức bình thường. Đừng để nỗi lo sợ con đói khiến bạn phá vỡ thói quen ăn uống khoa học của con. Tình trạng đó sẽ sớm hết thôi nên các mẹ đừng quá lo nhé. Còn một khi bé quá lười ăn đến độ cả ngày chẳng ăn gì, và tình trạng này kéo dài quá lâu thì đó có thể là một vấn đề nào đó liên quan đến sức khỏe, bố mẹ nên đưa bé đến viện dinh dưỡng để được nghe những tư vấn của các y bác sĩ.

Hãy cho chúng một bàn ăn riêng với những món ăn bắt mắt và ngon miệng. Không tivi, không điện thoại, không ipad. Thay vì cho chúng vào xe đẩy, đẩy ra công viên chỉ con chó, chỉ con mèo, hái hoa, bắt bướm để chúng cười há miệng ra và đút cho chúng một thìa cháo, hãy để chúng tập trung vào bữa ăn của mình. “Đây là cà rốt có màu da cam và vị ngọt dịu, đây là củ cải có màu trắng, rau có màu xanh, trứng có màu vàng, thịt bò có màu đỏ…” chúng cần được biết chúng đã ăn gì thay vì cứ há miệng vô điều kiện để người ta đút vào miệng chúng bất cứ thứ gì! Chỉ thông qua cách cho ăn, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con có sự phát triển vượt bậc về trí não thay vì chỉ nhằm mục đích để tăng về trọng lượng.

Nếu thay đổi tư duy chăm sóc con cái là việc cần để nuôi dưỡng nên những đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, tôi thực sự rất mong, chúng ta hãy cùng ngồi lại và suy xét. Chúng ta có đang làm đúng hay không? Việc chúng ta đang làm, có thực sự tốt cho con không? Bài viết này của tôi có thể gây phiền lòng cho một bộ phận phụ huynh, nhưng chỉ là tôi đang đề cập đến vấn đề này một cách THẲNG THẮN. Rất mong mọi người không vì vậy mà tự ái, để rồi vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp đó hàng ngày cho con mình: vừa ăn vừa chạy.

P/S: Thực sự nhiều người vẫn chưa lường hết được hậu quả của việc ép con ăn. Mình đã có sự quan sát, theo dõi và so sánh giữa rất nhiều các bé được chăm sóc theo các phương pháp khác nhau. Phần lớn các bé bị ép ăn (khi các bé không ăn có người thậm chí còn dùng tay giữ trán bé, đẩy về đằng sau cho bé há miệng ra, nhét một thìa cháo vào để cháo tự chảy xuống cổ họng và buộc bé phải nuốt) đều có biểu hiện chậm chạp hơn các bé được bố mẹ tạo điều kiện cho tự lập ăn theo ý thích và nhu cầu. Lúc đầu các bé này cũng có biểu hiện kháng cự nhưng sau này khi nhận thấy việc kháng cự là vô ích, các bé chấp nhận và không kháng cự nữa. Từ đó trở đi, cứ đưa thìa lại gần miệng là bé tự động há ra không suy nghĩ. Dần dần, bé bị mất khả năng kháng cự và không có khả năng bày tỏ quan điểm cá nhân, không còn màu sắc cá tính riêng, sống phụ thuộc hoàn toàn vào cảm giác của người lớn. Khi não bộ bị ức chế phát triển trong việc thể hiện cá tính riêng, các bé trở nên chậm chạp, trước hết là chậm nói, chậm giao tiếp, chậm nhận thức. Các bé này khi ấy lại được các bà, các mẹ khen là ngoan nhưng kỳ thực, bé rất tội nghiệp. Xin mọi người, đừng làm vậy với các bé nữa! Khi nào mà con bạn còn bướng bỉnh nhất định không ăn, biểu hiện bằng việc ném thìa,ném bát, nhổ phì phì, thì khi đó, con bạn còn là một đứa trẻ lanh lợi. Hãy vui mừng vì điều đó!”

Nguồn: face Lê Thanh Ngân

Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x