Một số người khỏi bệnh nan y sau mắc Covid-19, có người nhiễm nCoV nhiều lần hoặc xét nghiệm dương tính kéo dài vài tháng.
Trong hai năm đại dịch hoành hành, bác sĩ và giới chức y tế các nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nCoV có triệu chứng, hình thái hoặc diễn biến bệnh khác thường. Các trường hợp này hầu hết chưa có lời giải thích bằng y khoa, các chuyên gia thường đề ra những giả thuyết họ cho là phù hợp dựa trên kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm trong quá khứ.
Mục lục bài viết
Cô gái mất khứu giác bẩm sinh ngửi lại được sau mắc Covid-19
Nancy Simpson, 25 tuổi, đến từ London bị mất khứu giác bẩm sinh. Tuy nhiên, sau khi mắc Covid-19 vào Giáng sinh năm ngoái, cô đột nhiên ngửi thấy mùi hương lần đầu trong đời.
Cô là một trong những trường hợp đầu tiên có thể hồi phục khứu giác bẩm sinh sau mắc Covid-19. Thông thường, người nhiễm nCoV sẽ bị mất khứu giác trong vòng vài tuần. Hội chứng này gọi là anosmia, có thể duy trì một tháng hoặc hơn, được coi là biểu hiện Covid-19 kéo dài.
Về bản chất, khứu giác có liên hệ với vị giác. Tức là người không ngửi được cũng khó nếm đúng vị của thức ăn, đồ uống. Tiến sĩ Jane Parker, chuyên gia về khứu giác và vị giác tại Đại học Reading, cho biết nhiễm virus có thể làm hỏng các dây thần kinh trong mũi, khiến chúng không thể gửi tín hiệu đến não. Bà nhận định trường hợp của Nancy rất thú vị. Bà không biết bất cứ bệnh nhân nào gặp tình trạng tương tự.
“Covid-19 luôn khiến chúng tôi bất ngờ. Chúng tôi liên tục tìm thấy những trường hợp kỳ lạ không thể lý giải. Có rất ít nghiên cứu liên quan đến khứu giác. Bạn chỉ nhìn thấy tác động của nó khi chính mình trải qua hoặc sống với người mất khứu giác. Covid-19 thực sự khiến nó trở nên nổi bật”, bà nói.
4 lần mắc Covid-19
Mea Walton, nữ sinh viên trường y tại Anh lần đầu nhiễm nCoV vào tháng 9/2020, ngay trước khi nhập học. Đó là thời điểm Covid-19 còn là mầm bệnh nguy hiểm, gây nhiều ca bệnh nặng và tử vong.
Cuối tháng 1/2021, cha mẹ cô mắc Covid-19. Walton cẩn thận tránh tiếp xúc, chỉ để đồ ăn trước cửa phòng cách ly và đi xét nghiệm để phòng xa. Vài ngày sau, kết quả PCR trả về cho thấy cô tiếp tục dương tính.
Lần lây nhiễm thứ ba cách vài tuần sau đó. Khi một người bạn của cô mắc Covid-19 tại Brussels. Walton phải bay ra nước ngoài để giúp chăm sóc con bệnh nhân này. Trước khi lên máy bay rời nước Anh, kết quả sàng lọc của Walton âm tính. Khi từ Bỉ trở về, cô một lần nữa nhiễm nCoV.
Trong lần nhiễm virus thứ hai và thứ ba, Walton có biểu hiện chảy nước mũi nhẹ. Đến lần mắc Covid-19 thứ 4, cô có đầy đủ triệu chứng như cúm. Walton đã tiêm hai liều vaccine, đang chờ đợi được tiêm liều tăng cường. Cô cho rằng trường hợp của bản thân khá trớ trêu.
“Điều thú vị nhất là trong những lần nhiễm nCoV, tôi không đến bệnh viện. Suốt thời gian chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 tại nơi làm việc, tôi chưa từng lây bệnh”, cô nói.
Xét nghiệm 78 lần vẫn dương tính
Muzzafer Kayasan, một bệnh nhân 56 tuổi tại Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu được chẩn đoán mắc Covid-19 ngày 19/12/2020. Từ đó đến nay, ông đã dương tính 78 lần. Do các quy định y tế của Thổ Nhĩ Kỳ, ông phải cách ly hơn một năm.
Kayasan mắc bệnh ung thư máu, đã phải nằm viện 9 tháng và tự cách ly thêm 5 tháng tại nhà. Thông thường, các F0 tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấm dứt cách ly sau khi xét nghiệm âm tính một tuần. Do những lần dương tính liên tiếp, ông Kayasan chỉ có thể gặp người thân của mình qua màn hình điện thoại. Ông đang kiến nghị chính quyền nước này tìm ra giải pháp cho tình huống hy hữu, mong bản thân được đặc cách.
Bác sĩ của Kayasan cho biết ông đã phải chật vật hồi phục sau Covid-19 vì bị suy giảm miễn dịch từ bệnh bạch cầu. Ông nói mình vẫn còn sống được nhờ nhiều loại thuốc bổ trợ. Kayasan không thể tiêm phòng bởi người nhiễm nCoV phải đợi đến khi khỏi bệnh mới được nhận vaccine.
Khỏi ung thư sau mắc Covid-19
Một người đàn ông 61 tuổi đã khỏi ung thư hạch giai đoạn 3 sau khi mắc Covid-19. Tạp chí Huyết học Anh ghi nhận bệnh nhân được chẩn đoán có khối u khắp cơ thể không lâu trước khi nhiễm nCoV. Ông phải nhập viện 11 ngày. Khi các triệu chứng Covid-19 thuyên giảm, ông trở về nhà. Khoảng 4 tháng sau, bệnh ung thư của ông cũng biến mất.
Trong thời gian nằm viện, ông không được điều trị bằng steroid hoặc các liệu pháp ung thư thông thường khác bởi sức khỏe kém. Trước đó, bệnh nhân từng ghép thận thất bại.
Tiến sĩ Jonathan Friedberg, Trung tâm Y tế Đại học Rochester, cho biết ung thư bạch huyết đôi khi tự khỏi. Tuy nhiên, các phản ứng nhất định của hệ miễn dịch của Covid-19 cũng có thể giúp quét sạch tế bào ung thư trong cơ thể.
Đây là tình trạng hiếm gặp, song không phải lần đầu tiên một bệnh nhân tự khỏi ung thư sau nhiễm virus. Theo tiến sĩ Friedberg, khá khó để xác định độ phổ biến của nó, bởi các trường hợp ít khi được ghi chép, báo cáo.
“Một bệnh nhân của tôi bị nhiễm virus rất nặng trong thời gian chờ đợi được ghép tế bào gốc. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi không cần thực hiện ca phẫu thuật này nữa vì anh đã khỏi. Tôi nghĩ tình trạng nhiễm trùng có liên quan đến điều này, nhưng không chắc hoàn toàn”, ông nói.
Thông thường, phản ứng miễn dịch với virus có sự tham gia của đội quân tế bào T (tế bào bạch cầu), kháng thể và protein quan trọng để điều phối phản ứng, được gọi là cytokine. Các phản ứng miễn dịch đặc hiệu cho một mầm bệnh, trong trường hợp này là Covid-19. Đôi khi phản ứng miễn dịch có thể gây ra tác động rộng hơn, triệt tiêu cả các tế bào ung thư.
Thục Linh (Theo Guardian, Sun, National News)