Nguyên nhân học sinh Việt Nam sợ nói tiếng Anh

blogging, blog, cafe blog

Theo kinh nghiệm giảng dạy của mình, mình đã đúc kết được một số điều về chứng “sợ nói tiếng Anh của các học sinh Việt Nam” như sau:

Thứ nhất, phát âm không chuẩn, sợ nói sai.

Một trong những lý do lớn nhất khiến các bạn học sinh e dè khi nói tiếng Anh là sợ phát âm sai. Điều này khiến các bạn càng xấu hổ hơn khi người nghe không hiểu được ý bạn, hoặc tệ hơn là cười vì lối phát âm “không giống ai – chỉ giống người Việt nói tiếng Anh” của các bạn trẻ. Việc này càng khiến các bạn tự ti hơn khi nói tiếng Anh và dần dần dẫn đến tâm lý không muốn nói tiếng Anh.

Thứ hai, không có hứng thú với việc học nói tiếng Anh.

Phần lớn chương trình các bạn được dạy trên lớp theo sách giáo khoa thường đặt nặng vào vấn đề học từ vựng và ngữ pháp. Các bài kiểm tra, các bài thi trên lớp chủ yếu cũng chỉ kiểm tra về ngữ pháp, chứ không có bài kiểm tra nói, nên kỹ năng này một-cách-nào-đó bị xem là thứ yếu trong việc học tiếng Anh trên lớp. Trong tiết tập nói, do sĩ số lớp quá đông và nội dung giao tiếp và thời gian học lại giới hạn nên giáo viên không thể kiểm soát hết được việc học nói của các học sinh. Vì vậy, cơ hội luyện nói của các bạn càng ít đi, các bạn học sinh cũng không được cổ vũ để nói.

Thứ ba, không biết áp dụng từ vựng và ngữ pháp khi nói – phản xạ kém.

Rất nhiều học sinh cảm thấy khó khăn trong việc tìm từ vựng khi nói và ngữ pháp – câu cú khi nói lại càng “loạn”. Điều này khiến các bạn mất nhiều thời gian trong việc chọn từ để nói và nếu không tìm được từ nào phù hợp thì các bạn đôi khi còn dùng từ tiếng Việt để thay thế. Đây có thể được xem là hậu quả của các lý do đã nói trước đó: e dè khi nói và ít có cơ hội luyện nói, dẫn đến phản xạ kém khi nói, và điều này lại khiến các bạn ngại nói và ít luyện nói, từ đó dẫn đến vòng luẩn quẩn của việc ít đầu tư vào kỹ năng này của các bạn học sinh.

Tuy nhiên, may mắn thay là mình đã nhận ra và áp dụng được một số biện pháp có thể giải quyết vấn đề này và giúp các bạn trẻ (ít nhất) có hứng thú với việc học nói hơn.

Biện pháp đầu tiên của mình có vẻ hơi “cực đoan”: ép các bạn PHẢI mở miệng nói tiếng Anh! Trước tiên, mình cho các bạn đọc bài trong sách để quen việc nói. Khi các bạn bắt đầu nói những từ đầu tiên, cảm giác lúc này còn khá ngượng, nhưng dần dần các bạn cảm thấy thoải mái hơn khi nói. Tuy nhiên có một lưu ý ở đây là giáo viên không nên ngắt lời và nhắc nhở học sinh khi bạn đó phát âm sai từ nào đó, mà nên note lại và chờ khi hs đọc xong mới chỉnh sửa cho bạn đó. Sau khi đọc, mình cho các bạn làm quen các mẫu hội thoại có sẵn trong SGK và nói theo cặp. Vì đa số các bạn đều chưa phát âm chuẩn nên khi nói với nhau các bạn sẽ bớt ngại hơn khi nói với giáo viên vì khi đó các bạn sẽ dễ nảy sinh tâm lý “lép vế” và ngại nói hoặc nói lí nhí.

Sau khi đã hoàn thành các bước trên, các học sinh của mình cảm thấy bớt ngại khi nói TA, và thậm chí nhiều bạn còn thích học nói hơn học ngữ pháp! Đến lúc này, mọi chuyện đã dễ dàng hơn và việc luyện nói cho các bạn cũng đơn giản hơn khi các bạn đã sẵn sàng hợp tác và dần gạt bỏ được chướng ngại vật “tâm lý ngại nói”.

Tóm lại, “tâm lý” là một vấn đề rất quan trọng trong việc học nói ngoại ngữ của tất cả mọi người chứ không riêng gì các bạn học sinh. Một khi đã bước qua được rào cản này, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn và chúng ta sẽ có những bạn học sinh giỏi giang hơn khi sử dụng được ngoại ngữ, chứ không đơn thuần chỉ là học ngữ pháp của một ngôn ngữ!

Phương Thảo Nguyễn

Subscribe
Notify of
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
V An.

Theo mình thấy phương pháp dạy tiếng anh của AJ Hoge rất hiệu quả, chắc bạn cũng biết ông này!

1
0
Would love your thoughts, please comment.x