Học đánh vần theo phương pháp công nghệ giáo dục mới có thật sự tốt cho trẻ?

hoc sinh ngày xưa

Việc nhiều người phản ứng với chương trình giáo dục dánh vần theo phương pháp của công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn đang gây tranh cãi rất nhiều trong thời gian gần đây. Thật ra chương trình này áp dụng cũng được hơn 2 năm rồi nhưng bây giờ mới được đem ra mổ xẻ bàn luận. Có thể nói chuyện này khá giống với luật đặc khu kinh tế cho thuê đất 99 năm vậy. Nếu chưa nắm được thông tin cụ thể chi tiết rõ ràng thì dễ bị ảnh hưởng tiêu cực kiểu như mặt định là đặc khu kinh tế sẽ cho Trung Quốc thuê đất trong 99 năm vậy á, mà quên đi các nước khác và các điều khoản kèm theo đó nữa.

Nhiều người không hiểu gì cứ đem cái lý do thay đổi bảng chữ cái thành hình tròn, hình vuông, hình tam giác mà không chịu tìm hiểu kỹ về phương pháp tách âm để đọc cho đúng của tiếng Việt. Mình vô tình đọc được bài viết của bạn Bình Bong Bot trên facebook thấy bạn tỏ rõ quan điểm có khoa học nên chia sẻ lại nguyên văn như nội dung bên dưới đây. Chắc có nhiều bạn sau khi đọc xong phần bên dưới lại nghĩ là đó là ý kiến của mình cho mà xem.

Hãy Ngưng Fake News trên Facebook

Chiều nay, các nàng Kiều lỡ bước chính thức thay thế phát âm trên Newsfeed. Nhưng khi những Fake News đang có xu hướng trở thành chân lý, và thứ “chân lý” ấy lại đang được các bạn bè của mình share đi share lại một cách nhiệt tình thì trên tư cách là bạn bè, thiết nghĩ phải biên thêm một status nữa. Hy vọng nhà khoa học ngôn ngữ Nghĩa Bình không vào đây bảo mình là bồi bút, là tay sai của đảng hay dư luận viên. Mà bạn có chửi, thì mình cũng kệ bạn luôn.

1. Hình vuông, hình tròn, hình tam giác.

Ngày còn bé, mình đã đi học với một hộp chứa những hình vuông và hình tam giác như thế. Các bạn phải phân biệt hai khái niệm cơ bản: âm và chữ. Âm chỉ âm thanh, chữ là chữ viết. Một đàng là nghe, một đàng là nhìn, khác nhau hoàn toàn.

Mấy cái hình vuông tròn tam giác ấy là bài học tách lời thành tiếng. Ví như ta nói: “Chú Bình đẹp trai” và hỏi nó: “Con hãy biểu thị mỗi tiếng bằng một hình vuông”, thì đứa con nít nó sẽ lấy ra bốn cái hình vuông. Mỗi hình vuông một tiếng, mình đọc bốn tiếng, cháu lấy ra bốn hình vuông. Ấy là vì cháu biết đếm trước khi biết đọc.

Ta lại nói cho cháu: “Chú Bình đẹp trai. Ngọc Trinh đẹp gái” và ra đề bài: “Con hãy biểu thị mỗi tiếng bằng một hình vuông, riêng hai tiếng giống nhau thì biểu thị bằng tam giác”. Đứa trẻ thông minh sẽ đặt lên bàn: “Vuông-vuông-tam giác-vuông. Vuông-vuông-tam giác-vuông”. Hai cái tam giác, chính biểu trưng cho hai tiếng“đẹp”.

Như vậy, với một phương pháp trực quan, đứa trẻ đã có khái niệm sơ khởi nhất về tiếng. Đó là một bài thuộc dạng vỡ lòng, trước khi ta đi vào những cái phức tạp hơn.

Những bạn nào share lá đơn toàn hình tam giác, hình vuông hoặc những bạn share clip hát chế xin xóa. Vì đấy là hành động lây lan Fake News. Đánh tráo khái niệm, chúng ta mãi mãi không bao giờ tìm được chân lý.

2. Nó “quện” nhau đi

Chữ “Quện” không phải từ trên trời tự nhiên rớt xuống. Nó từng xuất hiện trong truyện Kiều. Khi Thúy Kiều gặp lại Kim Trọng, Nguyễn Du viết:

“Giọt châu thánh thót quện bào
Mừng mừng tủi tủi biết bao là tình”

Trong quyển: “Truyện Kiều chú giải” của Lê Văn Hòe, in năm 1952, ông Văn Hòe đã chú giải chứ “quện” như sau: là trát vào, đượm vào. Bào là áo. Kiều gặp lại gia đình, gặp lại tình lang thì bật khóc, nước mắt thánh thót nhỏ xuống quện vào áo đang mặc.

Trong một đoạn ca dao mà có lẽ ai cũng từng nghe qua cũng có chữ “quện” này:

“Tò vò mà nuôi con nhện.
Mai mốt nó lớn, nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi, mày đi đàng nào”.

Như vậy, “quện” là một từ có nghĩa. Và khi dạy phát âm, dạy chữ, người ta dạy cái chữ ấy cho các em, tại sao các bạn mỉa mai? Và nó hoàn toàn không có nghĩa là “nện” hay “chịch” mà các bạn gán cho. Hãy nhớ: mình không biết thì không có nghĩa là con mình cũng không được biết. Mình không biết, thì mình càng phải mong con mình biết. Nếu nhân dịp này mà biết thêm một từ, lại là chuyện hay chứ sao.

3. Tam giác CKQ

Thật ấu trĩ khi chúng ta share hình ảnh cái tam giác này, để tiếp tay cho kẻ nghĩ ra cái joke kém vui ấy đồng nhất âm và chữ cái. Chúng ta đọc “C, K, Q” đều với âm “cờ”, nhưng khi viết chả ai viết là “CCC” cả. C vẫn là Xê, K và là Ca và Q vẫn là Quy hoặc Cu.

Phương pháp chúng ta vẫn học được làm theo nguyên tắc gộp vào, còn của giáo sư Đại là tách ra. Đấy là cách nói nôm na cho các bạn dễ hiểu. Nguyên tắc cũ: lấy chữ bờ (b) ghép vào chữ (a) chúng ta có chữ “ba”. Nhưng cách giáo sư Đại là nghe chữ “ba”, trẻ con sẽ được tập cho cái phản xạ chẻ cái chữ ấy ra làm đôi thành “bờ” và “a”.

Cách này, chữ “C, K, Q” đều sẽ phát âm là “cờ”. Như Đặng Lê Nguyên Vũ nói: “Qua”, con nít có thể chưa hiểu “Qua” là gì, vẫn có phản xạ tách nó thành “cờ” và “oa”. Còn sau này, khi học viết, theo nguyên tắc chính tả, nó sẽ phải chỉnh “o” thành “u”.

Nước ta nói tiếng Việt từ rất lâu, nhưng chữ quốc ngữ chỉ có vài trăm tuổi. Ông Alexandre de Rhodes sang đây truyền Đạo, thấy dân ta chưa có chữ viết, làm sao đọc truyện cổ tôn giáo Adam Eva đây, bèn nghĩ ra cách ký âm tiếng Việt cho mọi người cùng có thể đọc rồi viết ra. Ông nghe con nít gọi người đẻ ra mình là “ba”. Nên ông tách nó ra thành “bờ” và “a” theo mẫu tự Latin. Cách dạy mới của giáo sư Đại chính là… về nguồn vậy.

4. Truyện dân gian

Mẹ xách đồ nặng quá, bé mới nói để bé xách đồ phụ mẹ, mẹ bồng bé đi. Câu chuyện quá sức dễ thương. Bọn trẻ con, các bạn cũng biết, là trùm nhõng nhẽo. Chúng chỉ muốn mình ôm nó, hít hà nó. Và trong cái tư duy của nó: mình bồng nó là mình yêu nó, nó xách đồ cho mình là nó yêu mình. Vậy thì nó xách đồ, mình bồng nó, vậy là mẹ và bé yêu thương nhau. Nhưng với sự tức giận sẵn có, các bạn gán cho mẫu truyện ấy sự phản giáo dục, dạy trẻ khôn lỏi.

Hồi nhỏ mình cũng từng đọc mẩu truyện ấy. Bây giờ đọc lại, thấy quen thuộc chứ chả thấy phản giáo dục gì. Một câu truyện khác về người họa sĩ bảo với con nít: “Vẽ trâu bò thì khó, chứ vẽ ma quỷ thì dễ. Vì trâu bò ai cũng thấy, vẽ khác biết ngay. Ma quỷ có ai thấy đâu, nên muốn vẽ sao thì vẽ”.

Một câu truyện mang tính gợi mở, dạy trẻ cách tư duy, vậy mà gán cho truyện là “hù ma dọa quỷ, tuyên truyền mê tín”. Oh No!!!

5. Ông Bùi Hiền

Ông Bùi Hiền nghiên cứu là chuyện của ông, giống bạn biên tút vậy đó, ai cấm bạn biên? Bất kỳ ai cũng có quyền nghiên cứu hết, miễn nó không phạm pháp. Ví dụ: Bạn nghiên cứu một cách thiến theo hoàn toàn mới dựa vào hóa học. Thay vì lấy dao triệt sản, bạn cho heo uống thuốc, chim heo một thời gian teo mất không ấy ấy được nữa, xong bạn la lên: “Bây ơi, tao có cách triệt sản heo không đổ máu, hãy thử đầu tư đại trà xem”. Bạn đã góp phần tạo ra một cái mới về nghiên cứu, còn cái mới ấy có được áp dụng hay không lại là chuyện khác.

Nó là vấn đề vĩ mô, liên quan nào chính trị, kinh tế, quản lý nhà nước. Nghiên cứu của ông Hiền, nhìn qua đã thấy là khó áp dụng đại trà. Vì khi ký âm mới, phải lôi truyện Kiều ra sửa lại, chữ “quện” phải viết khác đi. Tất cả văn bản, sách vở đều phải lôi ra sửa hết. Có ai ép các bạn lập tức học liền đâu mà giãy nãy lên?

TẠM KẾT: Facebook là môi trường hoàn hảo nhất để lây lan Fake News. Trước khi mạt sát một ai đó, nhất là người lớn tuổi, hãy chậm lại một nhịp, xem mọi việc chính xác là gì đã. Còn những ai muốn cho con nghỉ học, cứ để họ cho con họ nghỉ rồi tự dạy thôi. Cuộc chiến nhắm vào giáo sư Đại nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Nhưng những cái sát sườn, gần gũi nhất thì phải hết sức thận trọng.

Facebook: Binh Bong Bot

Subscribe
Notify of
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x